Việt Nam là một quốc gia đa dạng về dân tộc, văn hóa và tôn giáo. Việt Nam nằm trong số 12 quốc gia trên thế giới và 6 quốc gia ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương được công nhận là có mức độ đa dạng tôn giáo rất cao theo khảo sát đa dạng tôn giáo toàn cầu của Viện Diễn đàn Pew (Hoa Kỳ).1 Sự đa dạng này ở Việt Nam là kết quả của sự du nhập, giao thoa và dung hợp giữa các tôn giáo bản địa hình thành trong nước và các tôn giáo từ nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, mức độ đa dạng tôn giáo ở Việt Nam tiếp tục được nâng cao.
Ở Việt Nam có rất nhiều các hình thức tôn giáo khác nhau, từ các hình thức tôn giáo nguyên thủy như Tô tem giáo, Sa man giáo, Vật linh giáo,… đến các hình thức tôn giáo hiện đại, có tổ chức chặt chẽ như Công giáo, Phật giáo, Tin lành, Islam giáo. Việt Nam cũng là quốc gia đa dạng về loại hình tổ chức tôn giáo. Có những tôn giáo chỉ có duy nhất một tổ chức (Phật giáo, Công giáo) nhưng cũng có những tôn giáo có nhiều tổ chức, hệ phái (đạo Cao Đài, đạo Tin lành,…).
Tính đến 2022, Chính phủ Việt Nam chính thức công nhận 16 tôn giáo (Hình 2) vài 43 tổ chức tôn giáo;2ó hàng nghìn nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung (trong đó có các nhóm sinh hoạt tôn giáo tập trung của người nước ngoài cư trú hợp pháp tại Việt Nam); trên 26,5 triệu tín đồ (chiếm khoảng 27% dân số cả nước);3có hơn 54 ngàn chức sắc; 135 ngàn chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự.4 Ngoài ra còn có khoảng 200 ngàn tín đồ thuộc các tổ chức Tin lành tư gia và hàng chục ngàn người theo các hiện tượng tôn giáo mới.5 Bên cạnh đó, ở Việt Nam còn có một số lượng rất đông đảo người dân có niềm tin và thực hành theo các sinh hoạt tâm linh truyền thống/dân gian – thường vẫn được tuyên bố là “không tôn giáo.
Trong số 16 tôn giáo được Nhà nước chính thức công nhận, có 9 tôn giáo từ nước ngoài du nhập vào Việt Nam trong các giai đoạn lịch sử khác nhau (Phật giáo, Công giáo, Tin Lành, giáo, Bà La Môn giáo, Baha’i, Cơ Đốc Phục Lâm, Mặc Môn, Minh Sư Đạo). Bảy tôn giáo còn lại ra đời ở miền Nam đất nước vào đầu thế kỷ 20 (Cao Đài, Phật giáo Hòa Hảo, Bửu Sơn Kỳ Hương, Tứ Ân Hiếu Nghĩa, Tịnh Độ Cư Sĩ Phật Hội Việt Nam, Minh Lý Đạo, Phật Giáo Hiếu Nghĩa Tà Lơn).6
Một đặc điểm nổi bật của người Việt Nam là sự đa dạng về niềm tin tôn giáo. Một tín đồ của tôn giáo được coi là nhất thần như Công giáo, Tin Lành hay Hồi giáo đồng thời có thể tham gia nhiều sinh hoạt tâm linh dân gian truyền thống khác tại chùa, đền, các lễ hội tôn giáo. Trong các hoạt động tâm linh này, các hình thức tín ngưỡng của các dân tộc Việt Nam có thể chia thành 5 loại: (i) Thờ cúng tổ tiên (gia tộc, dòng họ, quốc gia); (ii) Thờ thành hoàng làng; (iii) Tín ngưỡng vòng đời (sinh đẻ, cưới xin, ma, thờ cúng người chết); (iv) Tín ngưỡng nghề nghiệp; và (v) Tín ngưỡng thờ thần. Trong đó, thờ cúng tổ tiên là tín ngưỡng cơ bản và phổ biến nhất của người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, bất kể họ sống ở đồng bằng, miền núi, nông thôn hay thành thị.7
Các tín đồ tôn giáo ở Việt Nam phân bố rộng khắp cả nước nhưng tập trung đông nhất ở các tỉnh Đông Nam Bộ (30,15%) và Tây Nam Bộ (27,11%). Khu vực Bắc Bộ số lượng tín đồ chiếm 13,90%; khu vực Tây Nguyên chiếm 9,19%; khu vực Duyên hải Nam Trung bộ chiếm 8,73% và khu vực Bắc Trung bộ chiếm 6,48%.8
Những năm qua, các tổ chức tôn giáo ở Việt Nam cơ bản hoạt động tôn giáo thuần túy theo đúng giáo lý, luật lệ, lễ nghi truyền thống; gắn với bó với dân tộc, đất nước; tuân thủ quy định pháp luật và chính sách của Nhà nước và tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội (giáo dục, y tế, bảo trợ xã hội, từ thiện, nhân đạo).
Về quan điểm, chính sách, Hiến pháp Việt Nam9 quy định mọi công dân “có thể theo bất kỳ tôn giáo nào hoặc không theo tôn giáo nào” và “mọi tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật”. Hiến pháp cũng quy định việc tôn trọng và bảo vệ quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo. Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo 201610 quy định chi tiết hơn về quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, việc đăng ký hoạt động tôn giáo, tổ chức tôn giáo, quản lý nhà nước và xử lý vi phạm pháp luật. Hàng loạt nghị định hướng dẫn thi hành được ban hành kèm theo Luật này. Ngoài ra, Luật Đất đai, Luật Giáo dục và các luật khác cũng đưa ra những nội dung liên quan đến tôn giáo, tín ngưỡng. Do đó, hệ thống pháp luật đã được xây dựng đầy đủ để hỗ trợ nhu cầu phát triển tâm linh/tôn giáo và quản lý nhà nước.
Nhìn từ góc độ quốc tế, mặc dù tôn giáo Việt Nam đạt được những thành tựu và tăng trưởng đáng kể về về số lượng tín đồ, loại hình tôn giáo và tổ chức tôn giáo trong 20 năm qua, tuy nhiên Việt Nam vẫn bị đánh giá thấp về tự do tôn giáo. USCIRF đưa Việt Nam vào danh sách “quốc gia cần đặc biệt quan tâm” vì chưa thực hiện đầy đủ quyền tự do tôn giáo theo quy định của Đạo luật Tự do Tôn giáo Quốc tế.11 Freedom House đánh giá Việt Nam đạt một trên bốn điểm trong thang điểm về thực hành quyền tự do cá nhân và bày tỏ đức tin công khai hoặc riêng tư.12Trong hầu hết các trường hợp, các vấn đề thường liên quan đến yêu cầu về thời gian thực hành rất dài để tôn giáo/tổ chức tôn giáo được cấp phép chính thức; và sự giám sát, can thiệp của chính phủ trong quá trình thực hành tâm linh/tôn giáo – đặc biệt đối với các hiện tượng tôn giáo mới.
Trong một thế giới ngày càng hội nhập, sự phát triển và đa dạng của các tôn giáo ở Việt Nam sẽ tiếp tục thay đổi và nở rộ. Điều này đòi hỏi các chính sách tôn giáo và các cơ quan chính quyền cần phải cân bằng giữa việc duy trì cập nhật với bối cảnh mới, linh hoạt đáp ứng nhu cầu tâm linh, tôn giáo của người dân và đảm bảo an toàn xã hội cho người dân.
References
- 1. Viện nghiên cứu Pew. 2014. Đa dạng tôn giáo toàn cầu. Truy cập tháng 8 năm 2023.
- 2. Ban Tôn giáo chính phủ. 2020. Danh mục các tổ chức tôn giáo và tổ chức được chứng nhận đăng ký hoạt động tôn giáo. Truy cập tháng 8 năm 2023.
- 3. Ban Tôn giáo Chính phủ. 2021. Tài liệu bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ thông tin, tuyên truyền chính sách pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo và công tác tín ngưỡng, tôn giáo. Truy cập tháng 8 năm 2023.
- 4. Ban Tôn giáo Chính phủ.2022. Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, trang 12. Truy cập tháng 8 năm 2023.
- 5. Bộ Thông tin và truyền thông. 2022. Sự chuyển biến của tôn giáo Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và cuộc cách mạng 4.0, Nxb Thông tin và truyền thông, trang 173. Truy cập tháng 8 năm 2023.
- 6. Viện nghiên cứu tôn giáo – VASS. 2022. Kiến thức cơ bản về Tôn giáo ở Việt Nam. Truy cập tháng 8 năm 2023.
- 7. Viện nghiên cứu tôn giáo – VASS. 2021. Kiến thức cơ bản về Tín ngưỡng ở Việt Nam. Truy cập tháng 8 năm 2023.
- 8. Ban Tôn giáo Chính phủ.2022. Tôn giáo và chính sách tôn giáo ở Việt Nam, Nxb Tôn giáo, Hà Nội, trang 12. Truy cập tháng 8 năm 2023.
- 9. Chính phủ Việt Nam. 2013. Hiến pháp Việt Nam. Truy cập tháng 8 năm 2023.
- 10. Quốc hội Việt Nam. 2016. Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo. Truy cập tháng 8 năm 2023
- 11. USCIRF. 2023. Báo cáo hàng năm. Truy cập tháng 8 năm 2023.
- 12. Freedom House. 2023. Báo cáo về Việt Nam. Truy cập tháng 8 năm 2023.