Đô thị hóa ở Việt Nam

Quá trình chuyển đổi kinh tế của Việt Nam trong ba thập kỷ qua là một câu chuyện thành công đáng chú ý. Việt Nam từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới đã trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp nhờ thực hiện cải cách kinh tế toàn diện và chuyển đổi cơ cấu nhanh chóng từ nền kinh tế nông nghiệp sang công nghiệp hóa.1 Đô thị hóa đóng vai trò quan trọng trong sự thành công của Việt Nam, với tỷ lệ dân số sống ở các thị trấn và thành phố tăng từ ít hơn 20% năm 1990 lên hơn 37,55% vào năm 2022.2 Việt Nam đã phát triển dựa vào thị trường lao động dày đặc và hiệu quả quần tụ bằng cách tập trung nhân lực, kỹ năng và hoạt động kinh tế ở khu vực thành thị, qua đó hơn một nửa GDP quốc gia được đóng góp bởi khu vực này.3

Định nghĩa

Trên thế giới, “đô thị” được định nghĩa khác nhau và không có một định nghĩa chung nào. Các báo cáo và dữ liệu của Liên Hợp Quốc liên quan đến đô thị hóa dựa trên định nghĩa của mỗi quốc gia cho “đô thị” như: ngưỡng dân số tối thiểu, mật độ dân số, sự phát triển cơ sở hạ tầng hoặc loại hình việc làm, v.v. Ủy ban Châu Âu áp dụng định nghĩa4 phân loại trung tâm đô thị, cụm đô thị và nông thôn đối với tất cả các quốc gia (Trung tâm đô thị: phải có tối thiểu 50.000 dân cộng với mật độ dân số ít nhất là 1500 người/km2 hoặc mật độ diện tích xây dựng lớn hơn 50%. Cụm đô thị: phải có tối thiểu 5.000 dân cộng với mật độ dân số ít nhất 300 người/km2. Nông thôn: dưới 5.000 dân).

Việt Nam áp dụng định nghĩa và tiêu chí về đô thị theo quy định trong Nghị định 42/2009/ND-CP.5 Theo đó, các đô thị phải có chức năng đô thị,6 có sức chứa tối thiểu 4.000 dân, có lao động phi nông nghiệp chiếm ít nhất 65% lực lượng lao động và đáp ứng các tiêu chuẩn cơ sở hạ tầng quy định.

Việt Nam phân loại đô thị thành 6 loại theo quy mô và mức độ phát triển theo hệ thống hành chính, bao gồm: loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, loại IV và loại V, việc phân loại được cơ quan nhà nước có thẩm quyền công nhận.

  • Đô thị đặc biệt là thành phố trực thuộc Trung ương có các quận nội thành, huyện ngoại thành và các đô thị trực thuộc.
  • Đô thị loại I và loại II là thành phố trực thuộc trung ương, có các quận nội thành, huyện ngoại thành và có thể có các đô thị trực thuộc; đô thị loại I và loại II là thành phố thuộc tỉnh có phường nội thành và các xã ngoại thành.
  • Đô thị loại III là thành phố hoặc thị xã thuộc tỉnh có phường nội thành, nội thị và các xã ngoại thành, ngoại thị.
  • Đô thị loại IV là thị xã thuộc tỉnh có phường nội thành và các xã ngoại thị.
  • Đô thị loại IV và đô thị loại V là các thị trấn thuộc huyện có khu phố xây dựng tập trung và có thể có các điểm dân cư nông thôn.

Tính đến năm 2021, Việt Nam có 868 đô thị, trong đó có 2 đô thị loại đặc biệt, 22 đô thị loại I, 33 đô thị loại II, 47 đô thị loại III, 90 đô thị loại IV và 674 đô thị loại V.7

Đặc điểm của Đô thị hóa 

Đô thị hóa gắn liền với sự di cư của người lao động và gia đình họ từ nông thôn ra thành thị, cũng như sự chuyển đổi của các cá nhân từ khu vực nông nghiệp sang khu vực công nghiệp và dịch vụ trong các trung tâm đô thị. Ngoài ra, tăng trưởng dân số tự nhiên góp phần vào những thay đổi về nhân khẩu học ở khu vực thành thị.8

Bối cảnh đô thị Việt Nam được đặc trưng bởi sự hiện diện của hai cực đô thị, một ở phía Bắc và một ở phía Nam đất nước. Cực đô thị phía Bắc bao gồm Hà Nội và các tỉnh lân cận, mở rộng ảnh hưởng đến vùng núi phía Bắc, đồng bằng sông Hồng và vùng duyên hải phía Bắc. Trong khi đó, cực đô thị phía Nam với Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm, tác động lan tỏa khắp Tây Nguyên, Đông Nam Bộ, Duyên hải Nam Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long.9 Các trung tâm đô thị này đóng vai trò là đầu tàu kinh tế của cả nước; nổi lên là những khu vực sôi động và dễ tiếp cận về mặt địa lý nhất, đóng góp chung tới 80% trong tổng việc làm công nghiệp và dịch vụ, sản xuất và lợi nhuận ở Việt Nam.10 Tuy nhiên, sự tập trung này đã dẫn đến sự phân bố đô thị hóa không đồng đều giữa sáu vùng địa lý của cả nước.

Mức độ đô thị hóa

Cả nước có 37,4 triệu người sống ở thành thị, tương đương 37,55% dân số cả nước vào năm 2022.11 Việt Nam vẫn ở mức độ đô thị hóa thấp so với các nước láng giềng ở châu Á. Tuy nhiên, quỹ đạo phát triển cho thấy sự gia tăng ổn định, phù hợp với xu hướng toàn cầu. Dự báo cho thấy, đến năm 2040, hơn một nửa dân số Việt Nam sẽ cư trú ở khu vực thành thị, đạt 57,3% vào năm 2050.

 

Tốc độ đô thị hóa

Sau Đổi Mới – cải cách kinh tế bắt đầu từ năm 1986, tốc độ đô thị hóa của Việt Nam tăng nhanh nhưng đã chững lại kể từ năm 2010-2015, phản ánh tốc độ di cư từ nông thôn ra thành thị đang chậm lại. Nếu như năm 2009, số người chuyển đến khu vực thành thị trong 5 năm trước đó là 3,3 triệu thì đến năm 2014, con số này đã giảm xuống còn 2,7 triệu. Tăng trưởng dân số thành thị được thúc đẩy bởi các khu vực đô thị chiếm ưu thế về kinh tế – TP.HCM, Hà Nội và các khu vực lân cận.12

 

Dòng người đổ đến hai cực đô thị – Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và các khu vực xung quanh đã làm gia tăng áp lực về việc làm, nhà ở và an sinh xã hội, với tỷ lệ nhập cư cao hơn đáng kể so với mức trung bình cả nước. Tỷ lệ nhập cư ở hai thành phố này cao gấp 2,7 lần mức trung bình cả nước và gấp 5,3 lần so với khu vực nông thôn.13 Tuy nhiên, ở các đô thị của Việt Nam hiện nay, tỷ lệ nhà ổ chuột là rất thấp (Hình 6), nhờ vào các quy định linh hoạt cho phép các hoạt động xây dựng tự phát, chi phí thấp và cho thuê nhà ở quy mô nhỏ. 14

 

Tác động của đô thị hóa

Đô thị hóa và tăng trưởng dân số gây áp lực đáng kể lên các khía cạnh của xã hội bao gồm cơ sở hạ tầng, nhà ở, nguồn lực, dịch vụ, sự gắn kết xã hội; và môi trường. Ùn tắc giao thông do số lượng lớn các phương tiện ngày một gia tăng, thải ra môi trường một lượng lớn bụi và khí thải. Môi trường nước mặt bị ô nhiễm do rất nhiều các hệ thống đường ống cấp thoát nước sinh hoạt đang xả thải không đáp ứng được nhu cầu và thiếu sự đồng bộ. Các hoạt động sản xuất công nghiệp và dịch vụ tập trung tại các thành phố làm gia tăng ô nhiễm đất, nước, không khí và dịch bệnh. Hệ sinh thái ở nhiều đô thị bị phá vỡ để phục vụ cho phát triển đô thị như tình trạng san lấp ao hồ, thu hẹp không gian xanh, công viên. Các thành phố – đầu mối của phát triển, cũng phải vật lộn với tác động của biến đổi khí hậu. Ở vùng đồng bằng và ven biển, tình trạng ngập úng thường xảy ra ở các đô thị và có xu hướng mở rộng và gia tăng. Đồng thời, các đô thị miền núi phải đối mặt với tình trạng thiên tai như lũ quét, sạt lở đất, vv.15

Hướng đến tương lai

Chính phủ Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh đô thị hóa như đã vạch ra tại Nghị quyết 6 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 148/NQCP. Mục tiêu hướng đến là tỷ lệ đô thị hóa đạt ít nhất 45% vào năm 2025 và vượt mức 50% vào năm 2030. Về mặt kinh tế, các khu vực đô thị được dự đoán sẽ đóng góp khoảng 75% GDP quốc gia vào năm 2025 và 85% vào năm 2030. Các mục tiêu trong tương lai bao gồm phát triển ít nhất 5 khu đô thị quốc tế được kết nối liền mạch với mạng lưới khu vực và toàn cầu vào năm 2045.16

Đô thị hóa vẫn là một hợp phần quan trọng trong quá trình phát triển của Việt Nam, những cải cách hiện nay là cần thiết để đưa quá trình này đi theo một quỹ đạo hiệu quả và bền vững hơn. Các ưu tiên bao gồm tăng cường đầu tư vào cơ sở hạ tầng đô thị, đặc biệt là quản lý rủi ro lũ lụt và phát triển hệ thống giao thông công cộng hiệu quả. Phân bổ nguồn lực cho các thành phố, cùng với các biện pháp giải quyết các rủi ro về khí hậu và tính bền vững, là điều bắt buộc để đảm bảo hành trình đô thị hóa của Việt Nam tiếp tục thành công.17

 

 

 

References

Contact us

Contact us

Do you have questions on the content published by Open Development Vietnam? We will gladly help you.

Have you found a technical problem or issue on the Open Development Vietnam website?

Tell us how we're doing.

Do you have resources that could help expand the Open Development Vietnam website? We will review any map data, laws, articles, and documents that we do not yet have and see if we can implement them into our site. Please make sure the resources are in the public domain or fall under a Creative Commons license.

File was deleted
ERROR!

Disclaimer: Open Development Vietnam will thoroughly review all submitted resources for integrity and relevancy before the resources are hosted. All hosted resources will be in the public domain, or licensed under Creative Commons. We thank you for your support.

jJEwH
* The idea box couldn't be blank! Something's gone wrong, Please Resubmit the form! Please add the code correctly​ first.

Thank you for taking the time to get in contact!