Chương trình chuyển đổi số Việt Nam

Việt Nam đang đẩy mạnh phát triển Công nghiệp 4.0 với Chương trình Chuyển đổi Số quốc gia nhằm tận dụng công nghệ số thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, cải thiện quản trị điều hành và phát triển xã hội. Chuyển đổi số được coi là chìa khóa để hiện thực hoá hai mục tiêu phát triển chính của đất nước: đạt được Phát thải carbon ròng bằng “không” vào năm 2050 và trở thành quốc gia có thu nhập cao vào năm 2045.

Hình 1: Ba người bạn: sự khác biệt giữa Digitization – Số hóa thông tin, Digitalization – Số hóa quy trình , Digital Transformation – Chuyển đổi số. Minh hoạ do Atonio Grasso thực hiện – Nguồn: Viện Công nghệ Massachusetts.

Tiến trình chuyển đổi số của Việt Nam được thực hiện dựa trên Chương trình chuyển đổi số quốc gia được phê duyệt năm 2020,1 tập trung vào ba trụ cột chiến lược: chính phủ số, kinh tế số xã hội số.

Hình 2: Chương trình Chuyển đổi số quốc gia 2020. Minh hoạ do ODV thực hiện- Nguồn: Quốc hội Việt Nam.

Để đẩy mạnh thực hiện Chuyển đổi số quốc gia, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành bộ chỉ số theo dõi và đo lường kết quả chuyển đổi số hàng năm, gọi là Chỉ số chuyển đổi số, được thực hiện ở ba cấp độ: cấp quốc gia, cấp bộ và cấp tỉnh. Việc xếp hạng Chuyển đổi số giữa các bộ và cơ quan ngang bộ, tỉnh thành nhằm khuyến khích tính cạnh tranh giữa các bên.2

 

Hình 3: Bộ chỉ số đánh giá Chuyển đổi số tại Việt Nam. Minh hoạ do ODV thực hiện.

Bên cạnh những nỗ lực đã được thực hiện, chương trình chuyển đổi số của chính phủ vẫn tiềm ẩn những rủi ro, như lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, khả năng gia tăng bất bình đẳng nếu một số nhóm bị bỏ lại phía sau trong quá trình chuyển đổi. Chính phủ sẽ cần quản lý những rủi ro này để đảm bảo lợi ích của quá trình chuyển đổi số được chia sẻ công bằng trong toàn xã hội.

1. Chính phủ số

Chính phủ số là một khái niệm bao gồm việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số và công nghệ thông tin và truyền thông (CNTT&TT) để tăng cường cung cấp các dịch vụ của chính phủ, cải thiện hành chính công, tăng tính minh bạch và hiệu quả của chính phủ. Chính quyền số là chính phủ số được triển khai tại các cấp chính quyền địa phương (cấp tỉnh, cấp huyện và cấp xã).

Chính phủ số gồm nhiều thành tố khác nhau, bao gồm dịch vụ điện tử, tham gia điện tử, hành chính điện tử và xã hội điện tử, tất cả đều góp phần hiện đại hóa hành chính công và cung cấp dịch vụ công thông qua các phương tiện số.3 Theo thời gian, chính phủ  số bắt buộc phải tận dụng dữ liệu và công nghệ số để mang lại các dịch vụ có tính gắn kết, liền mạch hơn, thông suốt đa ngành, đa lĩnh vực và chia sẻ dữ liệu nhằm tạo ra các cơ quan công quyền chủ động, có tính mở, hướng đến người dùng.4

Hình 4. Khung chính phủ điện tử – Nguồn: Đại học RMIT Việt Nam dựa trên Khung chính sách về Chính phủ điện tử của OECD.

Chính phủ Việt Nam, định nghĩa chính phủ số là một cách tiếp cận liên quan đến việc ứng dụng công nghệ số để tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả hành chính công, hợp lý hóa các dịch vụ của chính phủ và tăng cường tương tác giữa các cơ quan chính phủ, người dân và doanh nghiệp. Tầm nhìn đối với chính phủ số ở Việt Nam là xây dựng một xã hội số, nền kinh tế số và các dịch vụ chính phủ số dễ tiếp cận, có khả năng đáp ứng và phù hợp với nhu cầu của người dân; nhằm mục đích tạo ra một môi trường số an toàn và minh bạch; tạo điều kiện cho công chúng tham gia và truy cập trực tuyến vào các dịch vụ của chính phủ.5

Việt Nam đã có những bước tiến đáng kể trong việc phát triển năng lực chính phủ điện tử trong những năm gần đây. Chiến lược chính phủ điện tử được xác định rõ ràng,6 nhằm tạo ra một chính phủ số hiệu quả hơn, minh bạch hơn và dễ tiếp cận hơn với người dân. Việt Nam đặt mục tiêu 100% thủ tục hành chính được thực hiện trực tuyến vào năm 2025.7 Năm 2022, chỉ số phát triển chính phủ điện tử (EGDI) của Việt Nam đứng thứ 86 trên 193 quốc gia.8 Việt Nam cũng đặt mục tiêu lọt vào top 50 trong bảng xếp hạng EGDI vào năm 2025.9

Chính phủ Việt Nam đã triển khai một số sáng kiến ​​quan trọng nhằm đẩy mạnh chính phủ điện tử, như Khung Kiến trúc Chính phủ Điện tử Quốc gia,10 đưa ra kiến ​​trúc tiêu chuẩn cho các hệ thống chính phủ điện tử và tăng cường khả năng tương tác giữa các cơ quan chính phủ. Ngoài ra, Cổng Dịch vụ công Quốc gia được ra mắt vào tháng 12/2019 là một trong những thành tựu quan trọng. Cổng thông tin này hoạt động như một nền tảng tập trung, cung cấp cho người dân một điểm truy cập duy nhất tới hơn 2.200 dịch vụ công trực tuyến từ nhiều bộ và cơ quan khác nhau.

Hình 5: Giao diện Cổng dịch vụ Công quốc gia. Ảnh chụp bởi ODV.

 Một loạt nỗ lực quan trọng khác mà Việt Nam đang theo đuổi gồm: (i) phát triển cơ sở dữ liệu quốc gia về công dân, doanh nghiệp và các tổ chức, (ii) triển khai hệ thống thanh toán điện tử đối với thuế và các khoản phí khác của nhà nước, (iii) đơn giản hóa các thủ tục hành chính như đăng ký kinh doanh, kê khai thuế, đăng ký đất đai, và (iv) giảm tình trạng quan liêu, giúp người dân tương tác với chính phủ dễ dàng hơn.

Tuy nhiên, vẫn còn một số hạn chế trong phát triển Chính phủ điện tử ở Việt Nam. Một trong những thách thức chính là sự phân bổ không đồng đều cơ sở hạ tầng số và khả năng tiếp cận công nghệ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn.11 Khoảng cách số này làm hạn chế phạm vi tiếp cận và tác động của các dịch vụ chính phủ điện tử, đồng thời tạo ra rào cản tiếp cận các dịch vụ này đối với một số nhóm người dân, như người dân tộc thiểu số, người già, người khuyết tật hoặc người có trình độ học vấn thấp hoặc có thu nhập thấp, hoặc ở vùng nông thôn. Trong khi các thành phố lớn đã đạt được tiến bộ đáng kể về cơ sở hạ tầng chính phủ điện tử, thì các tỉnh ở mức kém thường là những tỉnh có tốc độ tăng trưởng GDP thấp, tỷ lệ đô thị hóa thấp và dân số thuộc các nhóm dân tộc thiểu số đông hơn.12

Khó khăn tiếp theo là cần phải nâng cao chất lượng và độ tin cậy của các dịch vụ chính phủ điện tử. Mặc dù Cổng Dịch vụ công Quốc gia đã được đánh giá cao nhưng vẫn còn một số vấn đề cần được giải quyết về quy mô, chất lượng và tính nhất quán của các dịch vụ do các bộ, cơ quan khác nhau cung cấp. Trong nhiều lĩnh vực, chẳng hạn như tư pháp, các dịch vụ chính phủ điện tử vẫn còn thiếu hoặc kém phát triển.13 Bên cạnh đó, còn có những lo ngại về quyền riêng tư về dữ liệu và an ninh mạng, điều này có thể làm suy yếu niềm tin của công chúng vào chính phủ điện tử và hạn chế việc sử dụng các dịch vụ trực tuyến.14 Ở cấp tỉnh, trong một báo cáo đánh giá mức độ thân thiện với người dùng của 63 cổng dịch vụ công trực tuyến cấp tỉnh vào năm 2023 cho thấy nhiều bất cập, đặc biệt là giao diện chưa thể hiện được tinh thần lấy người dùng làm trung tâm (ví dụ ở một số cổng, các dịch vụ công không hiển thị nổi bật trên trang chủ hoặc khó nhận biết; chức năng tìm kiếm chưa tối ưu; chữ quá nhỏ; nội dung rộng hơn màn hình; giao diện website không được thiết kế cho thiết bị di động). Cụ thể, chức năng dịch vụ công trực tuyến chưa chưa toàn trình –  một số cổng vẫn yêu cầu cả đăng ký trực tuyến và gửi tài liệu ngoại tuyến; quá trình thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử chưa được tối ưu cho người dùng; bất cập trong việc kết nối dữ liệu, tài khoản và giao diện giữa hệ thống dịch vụ công của trung ương và địa phương vẫn tồn tại. Ngoài ra, việc cam kết bảo vệ dữ liệu cá nhân và bảo đảm an toàn thông tin chưa được quan tâm đúng mức.15

2. Kinh tế số

Kinh tế số là nền kinh tế trong đó các công nghệ số, như internet và điện toán tiên tiến, đóng vai trò quan trọng trong các hoạt động kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và đổi mới. Kinh tế số bao gồm một loạt các thành phần số giúp chuyển đổi và thực hiện các quy trình kinh tế, bao gồm thương mại điện tử, thanh toán số, dịch vụ số, phân tích dữ liệu, Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật, Blockchain, kinh tế chia sẻ, Chính phủ số.16

Nền kinh tế số Việt Nam gần đây đang phát triển nhanh chóng nhờ có lực lượng dân số hiểu biết về công nghệ ngày càng gia tăng. Việt Nam có hơn 77,93 triệu người dùng Internet và tỷ lệ sử dụng Internet là 79,1%.17 Sự phát triển của thương mại điện tử, thanh toán trực tuyến và dịch vụ gọi xe cũng góp phần vào sự tăng trưởng của nền kinh tế số. Doanh thu từ kinh tế số của Việt Nam ước tính trị giá 166,4 tỷ USD năm 2022, chiếm 14,26 % GDP (ngành CNTT đóng góp một nửa trong số này), sử dụng hơn 1,5 triệu lao động.18 Tổng giá trị hàng hóa (GMV)19 của nền kinh tế số Việt Nam là 23 tỷ USD năm 2022 và hướng tới đạt 50 tỷ USD vào năm 2025, trở thành thị trường tăng trưởng nhanh nhất khu vực nhờ sự bùng nổ trong thương mại điện tử.20

Hình 6: Thành phần và giá trị của nền kinh tế số Việt Nam – Nguồn: Báo cáo Bain 2022

Chính phủ đã đặt mục tiêu đưa nền kinh tế số chiếm 30% GDP vào năm 2030. Để đạt được điều này, Việt Nam đã xác định các lĩnh vực trọng tâm chính, bao gồm thương mại điện tử, thanh toán số, fintech và các công nghệ mới nổi khác như trí tuệ nhân tạo (AI), Blockchain và Internet vạn vật (IoT). Chính phủ cũng đã đưa ra các sáng kiến ​​hỗ trợ khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo, như Chương trình đổi mới công nghệ quốc gia, Trung tâm đổi mới quốc gia và Chiến lược AI quốc gia – nhằm đưa Việt Nam trở thành trung tâm AI hàng đầu ở khu vực Đông Nam Á.

Những người trẻ tại Quán cà phê Game. Nguồn ảnh: F&B Vietnam

Một lĩnh vực quan trọng khác đối với nền kinh tế số của Việt Nam là cơ sở hạ tầng số. Chính phủ đang đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, bao gồm internet tốc độ cao thông qua việc mở rộng băng thông rộng (mục tiêu cung cấp truy cập băng thông rộng cho cả nước vào năm 202521) và vùng phủ sóng mạng 5G (mục tiêu phủ sóng 5G trên toàn quốc vào năm 203022); thúc đẩy phát triển cơ sở hạ tầng trung tâm dữ liệu (ví dụ: ưu đãi thuế và đơn giản hoá quy trình cấp phép) và điện toán đám mây để hỗ trợ sự phát triển kinh tế số và cải thiện khả năng kết nối trên toàn quốc.

Trong kế hoạch, Chính phủ Việt Nam cũng đang thực hiện các bước để cải thiện an ninh mạng và các biện pháp bảo vệ trước các hiểm hoạ trên mạng. Các hành động bao gồm thành lập trung tâm an ninh mạng quốc gia và xây dựng khung pháp lý về an ninh mạng. Chính phủ đã đưa ra các sáng kiến ​​nhằm nâng cao nhận thức về rủi ro an ninh mạng và thúc đẩy các biện pháp thực hành tốt nhất, đồng thời ban hành Luật an ninh mạng23 để điều chỉnh các hoạt động trực tuyến.

Tuy vậy, vẫn còn rất nhiều các thử thách mà Việt Nam đang phải đối diện trong quá trình phát triển nền kinh tế số, có thể kể đến như: 

  • Thiếu hụt kỹ năng số: Nền kinh tế số đòi hỏi lực lượng lao động có tay nghề cao và Việt Nam vẫn phải đối mặt với khoảng cách kỹ năng trong các lĩnh vực số như phân tích dữ liệu, phát triển phần mềm và an ninh mạng. Trong khi đó, hệ thống giáo dục vẫn chưa thích ứng với nhu cầu của nền kinh tế số, nhiều sinh viên chưa được chuẩn bị kỹ năng cần thiết cho công việc trong ngành công nghệ. Nhiều lao động hiện nay thiếu các kỹ năng số cần thiết, khiến việc xây dựng lực lượng lao động mạnh trở nên khó khăn. Chỉ 40% doanh nghiệp ở Việt Nam cho biết họ có đủ năng lực về CNTT.24
  • Khả năng tiếp cận vốn: Thị trường vốn của Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển và khả năng tiếp cận vốn của các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) còn hạn chế – Vốn là điều kiện rất quan trọng để họ phát triển và mở rộng quy mô kinh doanh kỹ thuật số của mình. Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, chỉ 10% nguồn vốn khởi nghiệp của Việt Nam được phân bổ cho doanh nghiệp về kỹ thuật số.25
  • Sở hữu trí tuệ (SHTT): Bảo vệ quyền SHTT là điều cần thiết để khuyến khích đổi mới và đầu tư vào nền kinh tế số. Trong khi đó, bản chất phát triển nhanh chóng của nền kinh tế số có thể gây khó khăn cho việc phát triển và thực thi các quy định nhằm bảo vệ quyền này một cách đầy đủ. Khung pháp lý về bảo vệ quyền SHTT của Việt Nam vẫn còn kém phát triển, điều này có thể cản trở đầu tư nước ngoài và hạn chế sự phát triển của các công ty khởi nghiệp trong nước. Ngoài ra, cần có cơ chế thực thi luật pháp hiệu quả hơn, bao gồm sự phối hợp tốt hơn giữa các cơ quan thực thi và tòa án, các hình phạt mạnh mẽ hơn đối với hành vi vi phạm quyền SHTT. 
  • Những khó khăn về pháp lý: Môi trường pháp lý ở Việt Nam có thể là thách thức đối với các doanh nghiệp số. Các quy định chưa rõ ràng hoặc còn hạn chế, việc tuân thủ có thể trở thành gánh nặng, việc thực thi luật pháp cũng như quy định chưa nhất quán (ví dụ liên quan tới luật an ninh mạng, bảo vệ dữ liệu cá nhân). Điều này có thể tạo ra rào cản gia nhập cho các doanh nghiệp số mới và hạn chế sự phát triển của nền kinh tế số. Ngoài ra, còn tồn tại rất nhiều những lo ngại liên quan đến sự giám sát, kiểm duyệt từ chính phủ và quyền riêng tư dữ liệu, đặt ra câu hỏi về việc làm thế nào giữ cân bằng giữa duy trì an ninh và quyền cá nhân.
  • Hệ sinh thái số: Việt Nam được xếp hạng thứ 63/113 nền kinh tế trong bảng xếp hạng toàn cầu về môi trường số và hệ thống hỗ trợ doanh nhân do Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) thực hiện.26 Hệ sinh thái số của Việt Nam còn khá rời rạc, phân mảnh, với rất nhiều doanh nghiệp nhỏ hoạt động trong các lĩnh vực khác nhau. Điều này có thể gây khó khăn cho các doanh nghiệp trong việc hợp tác và tạo ra một hệ sinh thái số gắn kết.

3. Xã hội số

Xã hội số là “một xã hội trong đó mọi thứ đều chạy trên công nghệ số, nơi đây các thủ tục không giấy tờ và các phương tiện điện tử là tiêu chuẩn.”27

Kỹ năng số còn thấp là một trong những thách thức lớn nhất mà nền kinh tế số của Việt Nam phải đối mặt, đặc biệt là đối với đại bộ phận dân số. Khoảng cách kỹ năng này đặc biệt rõ rệt ở khu vực nông thôn, ở phụ nữ và các cộng đồng bị thiệt thòi khác, nơi khả năng tiếp cận giáo dục, đào tạo cũng như máy tính và các công cụ số còn hạn chế. Điều này có thể hạn chế việc áp dụng công nghệ số và cản trở sự phát triển của nền kinh tế số. Lực lượng lao động dồi dào, chi phí thấp sẽ không còn là lợi thế cạnh tranh trong việc thu hút đầu tư nước ngoài trong kỷ nguyên số này.

Phụ nữ dân tộc sử dụng điện thoại thông minh. Ảnh từ  Báo phụ nữ Việt Nam

Để giải quyết vấn đề này, trong trụ cột thứ ba của chương trình chuyển đổi số, chính phủ Việt Nam đang tập trung phát triển nhân tài số, nâng cao hiểu biết về kỹ thuật số, cải thiện khả năng tiếp cận các dịch vụ và cơ sở hạ tầng kỹ thuật số, và đảm bảo rằng mọi người dân đều có thể tiếp cận được lợi ích của số hóa. Mục tiêu đến năm 2035 phổ cập cung cấp dịch vụ Internet cáp quang và 5G trên toàn quốc cho mọi người và hơn 80% dân số có tài khoản thanh toán điện tử.28 Một loạt các nỗ lực được thực hiện nhằm đẩy mạnh đào tạo kỹ năng và hiểu biết về kỹ thuật số; phát triển nội dung và dịch vụ số. Chính phủ đã triển khai một số chương trình đào tạo, bao gồm Chương trình Chuyển đổi số Quốc gia, nhằm mục đích đào tạo một triệu người về kỹ năng số vào năm 2025, như coding, phân tích dữ liệu và marketing số. Tuy nhiên, những nỗ lực này có thể cần thời gian mới có quả ngọt  và cần phải làm nhiều hơn nữa để thu hẹp khoảng cách kỹ năng số ở Việt Nam.

Trong quá trình đẩy mạnh phát triển xã hội, có những rủi ro, mối đe dọa mà Việt Nam đang phải đối mặt, bao gồm:

  • Rủi ro nhận dạng số: Việc mở rộng các dịch vụ số mang đến rủi ro liên quan đến quyền riêng tư dữ liệu và đánh cắp danh tính. Đảm bảo an ninh và bảo vệ danh tính số là mối quan tâm ngày càng tăng.
  • Tội phạm mạng: Sự bùng nổ của nền kinh tế số đã dẫn đến sự gia tăng tội phạm mạng, bao gồm hack, gian lận tài chính và gián điệp mạng, đặt ra thách thức cho các cơ quan an ninh và thực thi pháp luật.
  • Lừa đảo và lạm dụng trực tuyến: Khi ngày càng có nhiều người tham gia vào các hoạt động trực tuyến, nguy cơ trở thành nạn nhân của các trò lừa đảo, thông tin sai lệch và quấy rối trực tuyến ngày càng tăng, ảnh hưởng đến niềm tin của các cá nhân đối với các nền tảng trực tuyến.
  • Quyền công dân: Quá trình số hóa nhanh chóng ở Việt Nam đặt ra câu hỏi về quyền công dân, bao gồm quyền tự do ngôn luận và quyền riêng tư.

Có thể nói, chương trình chuyển đổi số của Việt Nam là cơ hội quan trọng để đất nước  nhảy vọt trong thời đại kỹ thuật số và đạt được tăng trưởng kinh tế bền vững. Tuy nhiên, sự thành công của chương trình sẽ phụ thuộc vào khả năng của chính phủ trong việc thực hiện hiệu quả các sáng kiến ​​và giải quyết các thách thức như bất bình đẳng số và các rủi ro an ninh mạng.

 

References

Contact us

Contact us

Do you have questions on the content published by Open Development Vietnam? We will gladly help you.

Have you found a technical problem or issue on the Open Development Vietnam website?

Tell us how we're doing.

Do you have resources that could help expand the Open Development Vietnam website? We will review any map data, laws, articles, and documents that we do not yet have and see if we can implement them into our site. Please make sure the resources are in the public domain or fall under a Creative Commons license.

File was deleted
ERROR!

Disclaimer: Open Development Vietnam will thoroughly review all submitted resources for integrity and relevancy before the resources are hosted. All hosted resources will be in the public domain, or licensed under Creative Commons. We thank you for your support.

99mEH
* The idea box couldn't be blank! Something's gone wrong, Please Resubmit the form! Please add the code correctly​ first.

Thank you for taking the time to get in contact!