Hạn hán

Bình thường mới: Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với hạn hán và xâm nhập mặn

1. Bối cảnh

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) của Việt Nam là đồng bằng lớn thứ ba trên Trái Đất, là nơi sinh sống của gần 18 triệu người với sinh kế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản. Được coi là “Vựa lúa” của Việt Nam, ĐBSCL đóng góp hơn một nửa tổng sản lượng gạo của cả nước và 95% sản lượng gạo xuất khẩu, góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia xuất khẩu gạo lớn thứ ba thế giới. Khu vực này cũng đóng góp 70% sản lượng trái cây và hơn 60% sản lượng thủy sản xuất khẩu của cả nước.1

Trong những năm gần đây, ĐBSCL đã trải qua các đợt hạn hán và xâm nhập mặn nghiêm trọng nhất trong vòng 100 năm qua — đặc biệt là vào năm 2015–2016 và thậm chí còn tàn khốc hơn vào năm 2019–2020. Hạn hán mùa khô ngày càng trở nên nghiêm trọng qua từng năm, buộc Chính phủ phải ban bố tình trạng khẩn cấp và kêu gọi sự hỗ trợ của quốc tế. Độ mặn gia tăng đã ảnh hưởng đến 10 trên 13 tỉnh ở ĐBSCL trong vụ mùa 2019–2020, ảnh hưởng đến 58.000 ha lúa, 6.650 ha cây ăn quả, 1.241 ha rau màu và 8.715 ha nuôi trồng thủy sản. Có tới 96.000 hộ gia đình tương đương 430.000 người phải đối mặt với tình trạng thiếu nước sinh hoạt.2 Thêm vào đó, hàng nghìn điểm sụt lún đã được ghi nhận xung quanh khu vực ĐBSCL, gây thiệt hại đáng kể về đường xá và nhà cửa.3

Đồng bằng sông Cửu Long thiếu nước phục vụ sinh hoạt và sản xuất trầm trọng. Ảnh từ www.moitruongvadothi.vn.

Đối tượng chịu tác động nghiêm trọng nhất của tình trạng này là các hộ gia đình nghèo, bị thiếu nước và mất thu nhập do sản xuất bị gián đoạn làm giảm nhu cầu về lao động. Ngoài ra, các rủi ro do các vấn đề vệ sinh và bệnh lây truyền qua nước gia tăng – đặc biệt đối với những người nghèo, phụ nữ và trẻ em gái – khi lượng mưa thiếu hụt trong mùa khô. Thêm vào đó, đại dịch COVID-19 càng tăng thêm áp lực kinh tế xã hội lên các hộ gia đình dễ bị tổn thương, vốn đã bị ảnh hưởng bởi hạn hán và xâm nhập mặn.

2. Nguyên nhân

Trong ba thập kỷ qua, ĐBSCL đã phải trải qua những thay đổi lớn về địa vật lý và môi trường. Mặt đất bị sụt lún trung bình khoảng 1 cm/năm, có nơi cao nhất lên đến 6 cm/năm. Đồng thời, mực nước thủy triều đang dâng lên với tốc độ gần 2 cm/năm và độ mặn gia tăng khoảng 0,2 – 0,5 PSU/năm. Sự hạ thấp độ cao nhanh chóng có liên quan chặt chẽ đến quá trình khai thác nước ngầm. Trong khi đó, triều cường và xâm nhập mặn gia tăng liên quan đến sự xói mòn nhanh chóng của lòng sông, với tốc độ 10-15 cm/năm, đây là kết quả của sự sụt giảm lượng phù sa chảy vào ĐBSCL do quá trình khai thác cát ở hạ lưu sông và bồi lấp ở thượng nguồn.4 Theo các chuyên gia, nguyên nhân của đợt hạn hán sớm, sâu và kéo dài kỷ lục gần đây của ĐBSCL do ba yếu tố chính: (i) biến đổi khí hậu; (ii) các yếu tố ở thượng nguồn bao gồm trữ lượng nước thấp ở Biển Hồ và dòng chảy cực thấp của sông Mê-kông do xây dựng đập thuỷ điện trên các dòng chính từ Trung Quốc đến Campuchia trong nhiều thập kỷ qua;5 và (iii) các yếu tố ở khu vực hạ lưu gây ra xói mòn và sụt lún, bao gồm khai thác nước ngầm quá mức để phục vụ nông nghiệp thâm canh ở ĐBSCL, mạng lưới đê điều ngăn lũ lụt tự nhiên để bảo vệ sản xuất nông nghiệp và quá trình khai thác cát quá mức.

Hình 1: Các tác nhân khí hậu và con người tạo ra thay đổi tại vùng ĐBSCL6

Biến đổi khí hậu 

ĐBSCL là vùng châu thổ bằng phẳng và cực kỳ thấp. Phần lớn diện tích đồng bằng nằm ở độ cao chưa đầy hai mét so với mực nước biển, với độ cao địa hình trung bình chỉ 80 cm. Do đó, ĐBSCL rất dễ bị tổn thương trước những thay đổi nhỏ của mực nước biển hay sự chuyển dịch thẳng đứng của mặt đất do biến đổi khí hậu gây ra. Khoảng 30% châu thổ có thể sẽ nằm dưới mực nước biển khi nước biển dâng tương đối đạt mức 50 cm.7

Biến đổi khí hậu cũng tác động đến sự phân bố lượng mưa trong mùa mưa, làm tăng tần suất và cường độ của các cơn bão lớn và tình trạng ngập lụt ở các tỉnh đầu nguồn của ĐBSCL. Đồng thời, biến đổi khí hậu làm kéo dài mùa khô, từ đó làm giảm lượng nước từ dòng chính của sông Mê-kông chảy về đồng bằng, dẫn đến thiếu nước ngọt và tăng độ mặn.8Dự báo cho một số tỉnh trọng yếu ở ĐBSCL cho thấy, đến năm 2100, lượng mưa trong các tháng mùa mưa sẽ tăng 25% và giảm vào các tháng mùa khô từ 30 – 35%. Hệ quả là mùa khô sẽ càng khô hơn và mùa mưa sẽ càng mưa nhiều hơn.9

Ngoài ra, nhiệt độ thay đổi làm tăng nguy cơ và tác động của dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân và việc nuôi trồng thủy sản. Nhiệt độ tăng đã được ghi nhận ở tất cả các trạm ở ĐBSCL, dự kiến ​​sẽ tăng thêm 1,8°C vào giữa thế kỷ và lên đến 3,7°C vào cuối thế kỷ này.10

Đập thuỷ điện

Ở thượng lưu sông Mê-kông, Trung Quốc đã xây dựng 11 đập thủy điện, trong đó có hai đập chứa lớn. Ngoài ra 11 đập khác, mỗi đập có công suất hơn 100 MW, đang được quy hoạch hoặc xây dựng. Ở hạ lưu sông Mê-kông, có 11 đập trên dòng chính đang trong giai đoạn lập kế hoạch và hoàn thiện ở Lào và Campuchia,11 nhiều đập trong số đó có sự đầu tư của Trung Quốc. Các đập này thông thường không tiêu thụ nước, nhưng khi thiếu nước (như trong thời kỳ hạn hán), đập cần nước để làm đầy các hồ chứa trên các phụ lưu để có thể sản xuất điện. Mặc dù mỗi đập trên dòng chính chỉ giữ nước trong khoảng 3-18 ngày, nhưng như vậy sẽ mất rất nhiều thời gian để nước chảy qua toàn bộ các đập trước khi đến đích ở khu vực đồng bằng.12Bên cạnh đó, trong mùa lũ hàng năm, những con đập này giữ nước, trầm tích và cá mà đáng lẽ sẽ di chuyển xuống hạ lưu.13

Bản đồ 1: Các công trình đập thuỷ điện trên lưu vực sông Mê Kông

Khai thác cát và nước ngầm

Ở khu vực ĐBSCL, trong suốt ba thập kỷ qua, sản xuất nông nghiệp đã được đẩy mạnh rộng rãi để đảm bảo an ninh lương thực và phục vụ xuất khẩu gạo. Nông dân đã tăng sản lượng cây trồng hàng năm từ hai lên ba vụ, khai thác hết dinh dưỡng của đất. Đê điều và các hệ thống thủy lợi khác được xây dựng để kiểm soát dòng chảy của nước, ngăn chặn lũ lụt tự nhiên và đưa phù sa – vốn rất quan trọng để phục hồi chất lượng đất – từ thượng nguồn ra biển.14Đồng thời, việc tưới nước cho lúa và cây ăn quả đòi hỏi phải khai thác khối lượng nước ngầm khổng lồ, dẫn đến mặt đất mất độ cao nhanh chóng. Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, ĐBSCL hiện có 7.733 giếng có công suất hơn 10 m3/ngày.15

Song song với việc các đập thuỷ điện ở thượng nguồn đang cắt đứt dòng chảy phù sa, việc khai thác cát tại địa phương đã làm sụt giảm trầm tích các tỉnh ĐBSCL. Hai yếu tố này là nguyên nhân dẫn đến sự xuống cấp của các bờ sông ở khu vực đồng bằng, khiến cho các con đường và nhà cửa bị cuốn trôi khi nước lớn.16

Khai thác cát ở ĐBSCL. Ảnh do Ted McGrath chụp, đăng trên Flickr . Được cấp phép theo CC BY-NC-SA 2.0

Các đập thủy điện, việc khai thác quá mức cát và nước ngầm là những mối đe dọa đáng kể nhất trong ba thập kỷ tới. Tuy nhiên, các tác động của biến đổi khí hậu, ví dụ như thay đổi lưu lượng sông và tần suất gia tăng của các hiện tượng thời tiết cực đoan có thể sẽ trở thành những mối đe dọa chủ đạo trong nửa sau của thế kỷ này.17

3. Tác động 

Hạn hán và xâm nhập mặn kéo dài đã làm ảnh hưởng đến sinh kế và tài sản của người dân, khiến các hộ dân bị ảnh hưởng khó có khả năng chống chọi và phục hồi.

Nông nghiệp

Đất canh tác bị thu hẹp, chất lượng đất và năng suất cây trồng ngày một sụt giảm do hạn hán và nhiễm mặn gia tăng ở ĐBSCL. Sâu hại và bệnh dịch cũng phát triển, sinh sôi và gia tăng khả năng gây bệnh, dẫn đến nguy cơ lây truyền dịch bệnh cho các loài động vật cao hơn, ảnh hưởng đến cả cây trồng và vật nuôi. Các hoạt động kinh tế ven biển và các hoạt động đánh bắt, nuôi trồng thủy sản cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng do nước biển tiến sâu hơn vào lục địa.18

Các dự báo chỉ ra rằng khoảng 10% diện tích trồng lúa hiện tại trong mùa khô có thể bị mất trắng vào năm 2050 do xâm nhập mặn. Nước biển dâng còn gây ra mối đe dọa lớn hơn đối với các khu vực trồng lúa ở ĐBSCL, thiệt hại do ngập lụt được dự báo là từ 22% đến 34%, và lên tới 58% diện tích trồng lúa trong trường hợp kịch bản xấu nhất của mực nước biển toàn cầu dâng cao. Bên cạnh đó, nhiệt độ tăng, hạn hán dai dẳng và độ mặn tăng (0,5 – 2 ‰) được dự báo sẽ làm giảm năng suất lúa ở các vùng không ngập còn lại từ 35 – 45%.19

 

Ghi chú: Tác động của xâm nhập mặn đến diện tích canh tác lúa. a) Các ngưỡng độ mặn thời điểm hiện tại của nước mặt từ 0‰ trong đất liền nhất đến 2, 4, 6 ..20‰ (P50); b) Các ngưỡng độ mặn dự báo cho năm 2050 theo các kịch bản RCP8.5 (dòng chảy sông), với các kịch bản khắc nghiệt về sụt lún, thay đổi mực đáy sông và mực nước biển dâng (+60 cm); c) Bản đồ lúa Đông Xuân 2020 phủ lớp phân lập độ mặn 2‰ (P50) thời điểm hiện tại (màu xanh lam nhạt) và năm 2050 (màu xanh lam đậm); d) Diện tích lúa (màu đỏ) sẽ ít thích hợp để trồng lúa vào năm 2050.

Các ngành chế biến và sản xuất 

Nguyên liệu thô từ nông nghiệp, thủy sản và các sản phẩm khác cung cấp cho ngành chế biến thực phẩm, dệt may sẽ giảm đáng kể là hệ quả của việc thiếu vùng khai thác nguyên liệu ở các tỉnh ĐBSCL.20

Sức khoẻ và bệnh tật

Thảm họa khí hậu ảnh hưởng gián tiếp đến sức khỏe do ô nhiễm môi trường, suy dinh dưỡng, bệnh tật, bên cạnh những gián đoạn về kinh tế – xã hội, kế hoạch, việc làm và thu nhập. Đối tượng dễ bị tổn thương nhất sẽ là nông dân nghèo, người dân tộc thiểu số ở nông thôn, người già, trẻ em và phụ nữ. Hơn nữa, các hiện tượng thời tiết cực đoan sẽ trở nên thường xuyên hơn, với công việc của phụ nữ – thường liên quan đến việc lấy nước và các hoạt động nông nghiệp – đặc biệt trở nên khó khăn hơn.21

Di cư do thiên tai

Khi thiên tai ảnh hưởng xấu đến các hoạt động kinh tế của hộ gia đình — giảm thu nhập, huỷ hoại nguồn cung cấp lương thực, giảm diện tích đất canh tác hoặc làm cho một số vùng không thể ở được — người nghèo ở các vùng ven biển và nông thôn buộc phải rời bỏ nhà cửa và cộng đồng để di cư đến các thành phố hoặc nơi khác. Trong mười năm qua, đã có khoảng 1,7 triệu người di cư rời bỏ những cánh đồng, dòng sông và kênh rạch rộng lớn của vùng ĐBSCL. Tỷ lệ di cư khỏi các tỉnh ĐBSCL cao hơn gấp đôi mức trung bình của cả nước và thậm chí cao hơn ở những vùng dễ bị tổn thương nhất về khí hậu.22

4. Ứng phó

Chính phủ và người dân đã tìm kiếm các giải pháp quyết liệt để ứng phó và chuẩn bị cho mùa khô hàng năm ở ĐBSCL.

Ở cấp vùng, Nghị quyết 120 năm 2017 đã thừa nhận những tác động tiêu cực của quá trình tăng trưởng kinh tế nóng ở khu vực này. Nghị quyết này hướng tới mục tiêu phát triển ĐBSCL bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu – với các mục tiêu đến năm 2050 và tầm nhìn đến năm 2100 – đồng thời kêu gọi các giải pháp toàn diện và đồng bộ, chú trọng hợp tác quốc tế. Ở cấp quốc gia, vào năm 2021 Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã ban hành Kế hoạch quốc gia về thích ứng với biến đổi khí hậu, giai đoạn 2021–2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kế hoạch quốc gia này tập trung vào việc tăng cường quản lý nhà nước đối với biến đổi khí hậu và thúc đẩy lồng ghép thích ứng với biến đổi khí hậu vào hệ thống chiến lược và quy hoạch vùng.23Bộ NN&PTNT cũng đã công bố giải pháp trung hạn và dài hạn đối với các thách thức về hạn hán và xâm nhập mặn ở ĐBSCL.24

Cụ thể, Chính phủ đang xây dựng các hồ chứa lớn,25khoan giếng, mở rộng đường ống dẫn từ các nhà máy nước tập trung, lắp đặt các ống nước công cộng và đầu tư vào vòi nước công cộng ở những nơi có thể.26Do xu hướng chuyển đổi mục đích sử dụng đất của nông dân diễn ra một cách tự phát, việc chuyển đổi đất đã được quản lý bằng công cụ hành chính để phù hợp với kế hoạch của chính phủ. Bên cạnh đó là những nỗ lực thuyết phục người dân áp dụng các hệ thống canh tác thích ứng với biến đổi khí hậu, chẳng hạn như hai vụ lúa và một vụ rau, hoặc hai vụ lúa và một vụ lúa-tôm ở những vùng dễ bị tổn thương với sự hỗ trợ về giống tôm và chuyển giao kỹ thuật. Các biện pháp khác bao gồm gieo cấy lúa đông xuân sớm một tháng; hướng dẫn nông dân không trồng lúa ở những vùng có nguy cơ bị xâm nhập mặn; và giảm diện tích lúa đông xuân để tiết kiệm nước.27

Ở cấp cá nhân, nhiều giải pháp thích ứng đang được thực hiện trong các hệ thống nuôi trồng thủy sản và nông nghiệp của người dân để phù hợp với sự gia tăng nhiệt độ và lượng mưa giảm. Ví dụ, cơ cấu nông nghiệp đang được chuyển đổi từ chuyên canh cây lúa sang mô hình đa canh giữa lúa và các cây trồng khác như rau và ngô.28Thêm vào đó, nông dân đã áp dụng các giải pháp tưới tiết kiệm nước tiên tiến cho cây trồng cạn, cây công nghiệp và cây ăn quả có giá trị kinh tế thương mại cao. Nông dân cũng đã bắt đầu chuyển sang các loại cây trồng và áp dụng phương pháp canh tác đa dạng hơn, ví dụ như một số nông dân trồng lúa hiện đã chuyển sang trồng trái cây, rau hoặc hoa hoặc những người khác chuyển sang phương pháp canh tác lúa mới.29Ở các vùng ven biển, người dân đang trữ nước mưa và xây dựng các bể lắng nước ngọt bằng nhựa và xi măng,30đây là giải pháp tiết kiệm và hiệu quả cho vấn đề xâm nhập mặn. Trong nuôi trồng thủy sản, nông dân đang áp dụng công nghệ tiên tiến để giảm thiểu sự phụ thuộc vào các yếu tố tự nhiên bằng cách kiểm soát môi trường nước, cũng như sử dụng mái che để kiểm soát lượng mưa và nhiệt độ.31

5. Kết luận

Tình trạng hạn hán và xâm nhập mặn gần đây của ĐBSCL từ một “hiện tượng”  đã trở thành “bình thường mới” và cho thấy sự cần thiết phải hành động. Cho dù thích ứng bằng biện pháp gì, thì nguyên nhân gốc rễ của các vấn đề phải được giải quyết, nếu không tình hình sẽ tiếp tục tồi tệ hơn.

Bởi 90% lưu vực sông Mê-kông phụ thuộc vào dòng chảy nước ngoài, ĐBSCL chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của các chính sách quản lý nước của các cơ quan chức năng trên toàn bộ lưu vực sông Mê-kông. Tuy nhiên, hiện tại cơ cấu quản trị và hệ thống quản lý các nguồn tài nguyên xuyên biên giới ở khu vực sông Mê-kông rất phức tạp – liên quan đến một mạng lưới các tổ chức và nhiều đối tác cả trong và ngoài khu vực – khiến tình hình trở nên khó giải quyết một cách nhịp nhàng và kịp thời. Trước những thiệt hại và mất mát vượt quá khả năng chống chịu và thích ứng của vùng đồng bằng này, Chính phủ cần có biện pháp ngoại giao để giảm thiểu tác động tiêu cực do các hoạt động ở thượng nguồn gây ra và thực hiện các biện pháp mạnh mẽ để chấm dứt tình trạng khai thác quá mức cát và nước ngầm ở khu vực hạ lưu.32Việc chia sẻ và quản lý rủi ro phải được xem xét ở tất cả các cấp cơ sở, quốc gia và quốc tế – vì cánh cửa cơ hội cho việc giảm thiểu và thích ứng đang đóng lại rất nhanh chóng.33

References

Contact us

Contact us

Do you have questions on the content published by Open Development Vietnam? We will gladly help you.

Have you found a technical problem or issue on the Open Development Vietnam website?

Tell us how we're doing.

Do you have resources that could help expand the Open Development Vietnam website? We will review any map data, laws, articles, and documents that we do not yet have and see if we can implement them into our site. Please make sure the resources are in the public domain or fall under a Creative Commons license.

File was deleted
ERROR!

Disclaimer: Open Development Vietnam will thoroughly review all submitted resources for integrity and relevancy before the resources are hosted. All hosted resources will be in the public domain, or licensed under Creative Commons. We thank you for your support.

Js6HW
* The idea box couldn't be blank! Something's gone wrong, Please Resubmit the form! Please add the code correctly​ first.

Thank you for taking the time to get in contact!