Thích ứng với thiên tai: Cần “vá” rừng, phân vùng sớm các điểm nguy cơ sạt lở
Cơn bão Yagi (bão số 3) và hoàn lưu của bão vừa qua đã tàn phá nặng nề nhiều tỉnh, thành phố ở miền Bắc. Để phòng chống, thích ứng với thiên tai, bão lũ, việc làm quan trọng với các địa phương là cần phục hồi hệ sinh thái rừng; sớm phân vùng, cảnh báo chi tiết các điểm, vị trí có nguy cơ trượt – sạt lở.
Nói thêm về tầm quan trọng của rừng tự nhiên trong việc giữ nước mưa, giảm lũ, một chuyên gia môi trường cho rằng cây rừng tự nhiên có bộ rễ sâu hàng chục mét, đan kết chằng chịt vào nhau, có vai trò quan trọng trong việc giữ vững liên kết giữa đất và đá, giữa tầng mặt và tầng sâu, tạo thành một khối ổn định và vững chắc. Thế nhưng khi rừng đã bị cạo trọc, mối liên kết ấy mất đi. Khi mưa lớn kéo dài, đất trong núi no nước thì liên kết trở nên yếu ớt, đất đá mềm nhão, kết hợp với sự mất chân của núi đồi,… sẽ dẫn tới sạt lở.
Vì thế bên cạnh việc tái thiết lại cuộc sống sau bão lũ cho người dân, các địa phương cũng cần quan tâm tới việc phục hồi hệ sinh thái rừng. Đây được xem là nhiệm vụ cấp bách trong thập kỷ toàn nhân loại đang chung tay để tránh một cuộc khủng hoảng sinh thái.
Khẳng định phục hồi hệ sinh thái rừng là rất quan trọng, song đại diện Tổng cục Khí tượng Thủy văn (Bộ Tài nguyên và Môi trường) cũng lưu ý để ứng phó với thiên tai hiệu quả, bộ này sẽ tiếp tục tổ chức các đợt điều tra, khảo sát các vị trí đã, đang xảy ra hiện tượng trượt, sạt lở đất đá; khoanh định chi tiết các khu vực có nguy cơ xảy ra trượt lở đất để cảnh báo sớm.