Vai trò của nông nghiệp tại Việt Nam
Nông nghiệp đóng vai trò vô cùng quan trọng đối với kinh tế, xã hội của Việt Nam. Nông nghiệp bao gồm trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản và lâm nghiệp. Khí hậu nhiệt đới, đất đai màu mỡ, nguồn nước dồi dào và đa dạng sinh học phong phú là những điều kiện quan trọng để sau 40 năm “Đổi mới” thực hiện cải cách kinh tế, ngành nông nghiệp Việt Nam đã phát triển theo hướng thương mại đa dạng, đáp ứng nhu cầu trong nước và thế giới.1 Hiện nay, Chính phủ đang đẩy mạnh chương trình tái cơ cấu toàn diện ngành nông nghiệp trong bối cảnh nông nghiệp Viêt Nam đang đứng trước ngã rẽ của cả cơ hội và thách thức.2
Về kinh tế, GDP nông nghiệp chiếm khoảng 13,96% tổng GDP năm 2019.3 Tuy nhiên, con số này phản ánh mức giảm đều từ 38,06% năm 1986,4 cho thấy sự chuyển đổi sâu sắc của nền kinh tế Việt Nam. Trong giai đoạn 2001 – 2013, tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp là 3,57%/năm, cao hơn và ít biến động hơn so với các nước châu Á khác.5 Từ một đất nước bị nạn đói đe dọa, Việt Nam hiện đứng thứ 2 ở Đông Nam Á và thứ 15 trên toàn cầu về xuất khẩu nông sản.6 Kim ngạch xuất khẩu nông sản tăng vọt từ 4,2 tỷ đô la Mỹ năm 20047 lên 41,3 tỷ đô la Mỹ năm 2019, chiếm 15,68% tổng kim ngạch xuất khẩu quốc gia.8 Các nông sản xuất khẩu hàng đầu của Việt Nam là gạo, cà phê, hạt tiêu, chè, hạt điều, cao su, sắn, thủy sản, và đồ nội thất.9 Thị trường xuất khẩu nông sản của Việt Nam chủ yếu là Trung Quốc, Châu Âu, Mỹ, ASEAN, Nhật Bản và Hàn Quốc.10
Biểu 1: Đóng góp vào GDP theo từng ngành kinh tế của Việt Nam giai đoạn 1986-2019 (%). Nguồn: Tổng Cục thống kê Việt Nam
Biểu 2: Tăng trưởng Nông nghiệp của Việt Nam và các nước láng giềng (%). Nguồn: World Development Indicators.
Về mặt xã hội, ngành nông nghiệp giúp đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, 11 cung cấp đủ lương thực cho dân số 96,48 triệu người,12 thông qua gạo – lương thực chính của Việt Nam. 13 Sự sẵn có về thực phẩm bình quân tính theo đầu người14 của Việt Nam ở mức cao trong số các nước thu nhập trung bình.15
Biểu 3: Cân bằng cung cầu gạo quốc gia của Việt Nam giai đoạn 1986-2010 (triệu tấn). Nguồn: Ngân hàng thế giới.
Biểu 4: Mức cung thực phẩm hàng ngày ở một số nước châu Á, 1961-2009 và 2009 – 2030 (dự báo). Đơn vị: Kcal/người/ngày. Ước tính theo hàm logarit. Nguồn: Ngân hàng thế giới
Theo lịch sử từ xưa đến nay, ngành nông nghiệp luôn là ngành sử dụng lao động nhiều nhất, tỉ lệ lao động trong nông nghiệp chiếm 65% lực lượng lao động theo thống kê năm 2000. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, con số này đã giảm đáng kể, xuống còn 47,4% vào năm 2012 và 39,4% vào năm 2019.16 Gần 50% các hộ gia đình làm nông nghiệp ở nông thôn năm 2016 cho biết nguồn thu nhập chính của họ vẫn từ nông nghiệp, mặc dù tỉ lệ này giảm từ 68% năm 2006.17 Chuyển đổi nông nghiệp đã góp phần xóa đói giảm nghèo ở nông thôn, thông qua tăng thu nhập từ các hoạt động phi trồng trọt, đặc biệt ở các nhóm dân tộc thiểu số.18
Ngành nông nghiệp cũng là ngành chiếm tỷ lệ lớn trong sử dụng tài nguyên thiên nhiên, như đất, nước, rừng và các nguyên liệu thô khác, phần lớn đã được phân bổ lại cho phát triển công nghiệp và đô thị.
Biểu 5: Đóng góp của Nông nghiệp trong thu nhập của hộ gia đình nông thôn, phân theo dân tộc và vùng (%). Nguồn: Tổng cục thống kê Việt Nam
Có thể nói, ngành nông nghiệp đã góp phần ổn định chính trị – xã hội, công nghiệp hóa và hiện đại hóa Việt Nam trong 40 năm qua, đặc biệt đóng vai trò “lưới bảo vệ” cho toàn bộ nền kinh tế trong thời kỳ khủng hoảng.19 Ngành nông nghiệp tiếp tục thực hiện chức năng này trong đại dịch COVID-19 năm 2020, thông qua việc phân phối lương thực cho người nghèo và người thất nghiệp,20 ổn định giá tiêu dùng, mang lại việc làm thay thế và tạo doanh thu xuất khẩu.21 Dự báo của ADB chỉ ra rằng kinh tế Việt Nam sẽ tiếp tục tăng trưởng nhanh nhất ở châu Á cho dù chịu tác động của COVID-19.22 Tuy nhiên, nhóm người dễ bị tổn thương nhất, đặc biệt là người di cư, phụ nữ và người lao động tự do,23 cũng như người dân tộc thiểu số sống ở khu vực nông thôn sẽ là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch này. Chính phủ đã tung ra gói cứu trợ COVID-19 dành cho các nhóm dễ bị tổn thương,24 nhưng chỉ áp dụng được cho những đối tượng yếu thế được Chính phủ công nhận.
Tác động của chính sách nông nghiệp hiện nay
Tăng trưởng trong ngành nông nghiệp cho đến nay vẫn gắn liền với chiến lược thúc đẩy tăng trưởng thông qua mở rộng diện tích, tăng số lượng cây trồng, khai thác tài nguyên thiên nhiên (đất, nước, rừng) và phụ thuộc nhiều vào lao động và các yếu tố hóa học trong sản xuất (phân bón và thuốc trừ sâu) mà không quan tâm nhiều đến tính bền vững.25
Biểu 6: Lượng tiêu thụ NPK trên héc ta đất canh tác tại một số nước Châu Á (kg). Nguồn: World Development Indicators.
Kết quả là tăng trưởng đang chậm lại, dựa trên số lượng hơn là chất lượng và giá trị gia tăng.26 Tăng trưởng GDP nông nghiệp giảm từ 4,17% năm 2002 xuống 4,01% năm 2011; còn 2,72% vào năm 2012 và 2,67% vào năm 2013.[1]27 Tỷ lệ nghèo không còn giảm đáng kể như trước, đây là một xu hướng mới sau nhiều năm có tỉ lệ nghèo trung bình giảm 2% hàng năm.
Ở thời điểm hiện tại, khó có thể thấy rõ sự cải thiện về lợi ích từ công cuộc giảm nghèo, những lợi ích hiện có chủ yếu đến tay người Kinh và những người ở khu vực thành thị và đồng bằng. Bất bình đẳng giữa các vùng miền đã và đang gia tăng; nghèo đói ngày càng tập trung ở các cộng đồng dân tộc thiểu số và người không có đất.28 Ngoài ra, thành tựu kinh tế đi kèm với thiệt hại về môi trường, như phá rừng, cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên và mất đa dạng sinh học, suy thoái đất và ô nhiễm nước.29 Những hậu quả này là thách thức nghiêm trọng đối với Việt Nam trên con đường đạt được Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs) vào năm 2030. 30
Biểu 7: Điểm nóng môi tường nông nghiệp Việt Nam. Nguồn: Ngân hàng thế giới.
Những cơ hội và thách thức
Ngành nông nghiệp hiện đang đối mặt với những cơ hội và thách thức mới. Trong khi hội nhập quốc tế và xu hướng tiêu dùng thay đổi đã mở ra thị trường trong nước, khu vực và quốc tế, ngày càng có nhiều lo ngại vấn đề đạo đức trong sản xuất thực phẩm,31 an toàn và nguồn gốc thực phẩm.32 Tuy nhiên, vẫn có động lực tiếp tục đẩy mạnh phát triển ngành nông nghiệp hàng hóa và đổi mới công nghệ được coi là phương tiện hiệu quả nhất để khắc phục những hạn chế về tài nguyên thiên nhiên, tăng chi phí lao động và đầu tư vốn thấp.33 Biến đổi khí hậu và những hệ lụy từ môi trường vẫn đang là một thách thức, do các tác động bất lợi đến sản xuất, đòi hỏi phải có các điều chỉnh và thích ứng phù hợp.34 Nhận thức rõ về tình hình này, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Bộ NN & PTNT) đã tích hợp nội dung giảm thiểu và thích ứng với biến đổi khí hậu vào tất cả các kế hoạch và chiến lược của mình, bao gồm Khung chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2008-2020, Kế hoạch hành động về biến đổi khí hậu cho phát triển nông nghiệp và nông thôn giai đoạn 2016-2020, Kế hoạch hành động tăng trưởng xanh cho nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2020 và gần đây nhất là Kế hoạch hành động thực hiện Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu trong giai đoạn 2021-2030 của Bộ NN & PTNT.
Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam đã thực hiện Chương trình Tái cơ cấu ngành nông nghiệp năm 2013,35 và kế hoạch cập nhật 2017,36 nhằm thúc đẩy phát triển bền vững về kinh tế, xã hội và môi trường. Chương trình Tái cơ cấu ngành nông nghiệp đẩy mạnh chuyển đổi từ sản xuất theo định hướng số lượng sang kinh doanh nông nghiệp trên cơ sở nhu cầu thị trường và nâng cao giá trị gia tăng với chi phí môi trường thấp. Nói cách khác, chương trình này có mục tiêu giúp ngành nông nghiệp “tăng giá trị, giảm đầu vào”,37 tức là đạt được giá trị kinh tế với ít nguồn lực hơn (tài nguyên, nhân công). Để làm được điều này sẽ cần phải sử dụng đất và nước hiệu quả cao hơn, chuyển đổi sang thực hành nông nghiệp dựa trên kiến thức và kỹ năng nhiều hơn, tận dụng tốt hơn lợi thế kinh tế theo quy mô và phạm vi trong chuỗi giá trị, và thay đổi cơ bản về chức năng và hiệu quả hoạt động của chính phủ. Sự chuyển đổi này cần những cải cách kinh tế trên quy mô lớn hơn, bao gồm những thay đổi trong chính sách vĩ mô và chính sách ngành (ví dụ về sử dụng đất) và thay đổi trong các thể chế (ví dụ như hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước, ngân hàng và các tổ chức liên quan đến khoa học và công nghệ), sự phối hợp của các bên liên quan cùng với sự phân cấp phân quyền và điều phối của Chính phủ.38
References
- 1. Ngân hàng Thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam. 2016. “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”. Washington, DC: Ngân hàng Thế giới. Truy cập tháng 3 năm 2020.
- 2. Ngân hàng Thế giới. 2016. “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu ào. Báo cáo phát triển Việt Nam. Washington, D.C. Ngân hàng Thế giới. Truy cập tháng 3 năm, 2020.
- 3. Tổng cục Thống kê Việt Nam. “Tình hình kinh tế – xã hội năm 2019”. Truy cập tháng 3 năm 2020.
- 4. Kinh tế toàn cầu. “Thị phần GDP Nông nghiệp Việt Nam”. Truy cập tháng 3 năm 2020.
- 5. Ngân hàng Thế giới. 2016. “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào. Báo cáo phát triển Việt Nam. Washington, D.C. Ngân hàng Thế giới. Truy cập tháng 3 năm, 2020.
- 6. Ngân hàng Thế giới. 2016. “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào. Báo cáo phát triển Việt Nam. Washington, D.C. Ngân hàng Thế giới. Truy cập tháng 3 năm, 2020.
- 7. Tin tức Tài chính – Bộ Tài chính (cổng thông tin điện tử). 2005. “Xuất khẩu nông, lâm sản 2005: Mục tiêu là 4,5 tỷ USD”. Truy cập tháng 5 năm 2020.
- 8. Tổng cục Thống kê Việt Nam. “Tình hình kinh tế – xã hội năm 2019”. Truy cập tháng 3 năm 2020.
- 9. Bộ Công Thương. 2019. “Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2018”. Hà Nội. Truy cập tháng 3 năm 2020.
- 10. Bộ Công Thương. 2019. “Báo cáo xuất nhập khẩu Việt Nam 2018”. Hà Nội. Truy cập tháng 3 năm 2020.
- 11. Ngân hàng Thế giới. 2016. “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào. Báo cáo phát triển Việt Nam. Washington, D.C. Ngân hàng Thế giới. Truy cập tháng 3 năm, 2020.
- 12. Tổng cục Thống kê Việt Nam. “Tình hình kinh tế – xã hội năm 2019”. Truy cập tháng 3 năm 2020.
- 13. Ngân hàng Thế giới. 2012. “Gạo Việt Nam, nông dân và phát triển nông thôn: Từ tăng trưởng nhanh đến thịnh vượng bền vững”. Ngân hàng Thế giới: Hà Nội, Việt Nam, 2012. Truy cập tháng 3 năm 2020.
- 14. Sự sẵn có về thực phẩm là khi tất cả mọi người thường xuyên có sẵn đủ số lượng thực cần thiết, được xác định bằng khối lượng sản xuất và giao dịch lương thực thực phẩm (FAO, 2008).
- 15. Ngân hàng Thế giới. 2016. “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào. Báo cáo phát triển Việt Nam. Washington, D.C. Ngân hàng Thế giới. Truy cập tháng 3 năm, 2020.
- 16. Dữ liệu Ngân hàng Thế giới. “Việc làm trong nông nghiệp (% tổng số việc làm), mô hình ước tính của ILO cho Việt Nam”. Truy cập tháng 3 năm 2020.
- 17. Cunningham, Wendy; Pimhidzai, Obert. 2018. “Tương lai việc làm Việt Nam : Khai thác xu hướng lớn cho sự phát triển thịnh vượng hơn : Báo cáo chính”. Washington, D.C .: Ngân hàng Thế giới. Truy cập tháng 3 năm 2020.
- 18. Pimhidzai, Obert. 2018. “Bước tiến mới : giảm nghèo và thịnh vượng chung ở Việt Nam”. Washington, D.C.: Ngân hàng Thế giới. Truy cập tháng 4 năm 2020.
- 19. Đài tiếng nói Việt Nam (cổng thông tin điện tử). 2012. “Khẳng định vai trò của ngành nông nghiệp trong nền kinh tế Việt Nam”. Truy cập tháng 3 năm 2020.
- 20. CNN. 2020. “ ATM gạo – cung cấp gạo miễn phí cho người thất nghiệp tại Việt Nam do cuộc khủng hoảng coronavirus”. Truy cập tháng 4 năm 2020.
- 21. Viet Nam News. 2020. “Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đặt mục tiêu không giảm xuất khẩu trong năm nay mặc dù COVID-19”. Truy cập tháng 4 năm 2020.
- 22. Ngân hàng Phát triển Châu Á. 2020. “Kinh tế Việt Nam vẫn là một trong những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất châu Á mặc dù suy giảm mạnh do COVID-19”. Truy cập tháng 4 năm 2020.
- 23. Tổ chức lao động quốc tế. 2020. “Đã đến lúc chứng tỏ Việt Nam cũng xuất sắc trong việc giải quyết các thách thức kinh tế”. Truy cập tháng 4 năm 2020.
- 24. VNExpress. 2020. “Việt Nam phê duyệt gói hỗ trợ 2,6 tỷ đô la Mỹ cho nạn nhân của cuộc khủng hoảng Covid-19”. Truy cập tháng 4 năm 2020.
- 25. OECD. 2015. “Chính sách nông nghiệp Việt Nam 2015”. Báo cáo rà soát Nông nghiệp và Lương thực của OECD, Nhà xuất bản OECD, Paris. Truy cập tháng 3 năm 2020.
- 26. Ngân hàng Thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam. 2016. “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”. Washington, DC: Ngân hàng Thế giới. Truy cập tháng 3 năm 2020.
- 27. Ngân hàng Thế giới. 2016. “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào. Báo cáo phát triển Việt Nam. Washington, D.C. Ngân hàng Thế giới. Truy cập tháng 3 năm 2020.
- 28. Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam. 2015. “Báo cáo quốc gia: Kết quả 15 năm thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ của Việt Nam”. Hà Nội. Truy cập tháng 3 năm 2020.
- 29. Ngân hàng Phát triển Châu Á. 2013. “Việt Nam: Đánh giá môi trường và biến đổi khí hậu”. Thành phố Mandaluyong, Phi-líp-pin: Ngân hàng Phát triển Châu Á. Truy cập tháng 3 năm 2020.
- 30. Anja Baum. 2020. “Câu chuyện thành công về phát triển của Việt Nam và tiến trình thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững chưa hoàn thành”. Bài viết bản thảo của IMF, 2020. Truy cập tháng 3 năm 2020.
- 31. Cameron A, Pham T H, Atherton J, Nguyen D H, Nguyen T P, Tran S T, Nguyen T N, Trinh H Y & Hajkowicz S. 2019. “Tương lai nền kinh tế số Việt Nam – Hướng tới năm 2030 và 2045”. CSIRO, Brisbane. Truy cập tháng 3 năm 2020.
- 32. PricewaterhouseCoopers. 2017. “Chiếu vào Việt Nam: Thị trường mới nổi hàng đầu”. PwC: Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. Truy cập tháng 3 năm 2020.
- 33. Ngân hàng Thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam. 2016. “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”. Washington, DC: Ngân hàng Thế giới. Truy cập tháng 3 năm 2020.
- 34. Schirmbeck S. 2017. “Chính sách môi trường của Việt Nam giữa ngã ba đường – Những cánh đồng lúa mặn, những công viên quốc gia bị săn đuổi và những bãi biển bị ăn mòn – và những gì chúng ta có thể làm”. Friedrich Ebert Stiftung: Hà Nội, Việt Nam. Truy cập tháng 3 năm 2020.
- 35. Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2013. “Quyết định 899/2013/QĐ-TOT phê duyệt Đề án Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Truy cập tháng 3 năm 2020.
- 36. Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. 2017.“Quyết định 1819/2017/QĐ-TOT Phê duyệt Kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp giai đoạn 2017 – 2020”. Truy cập tháng 3 năm 2020.
- 37. Ngân hàng Thế giới. 2016. “Chuyển đổi nông nghiệp Việt Nam: Tăng giá trị, giảm đầu vào. Báo cáo phát triển Việt Nam. Washington, D.C. Ngân hàng Thế giới. Truy cập tháng 3 năm, 2020.
- 38. Ngân hàng Thế giới, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam. 2016. “Việt Nam 2035: Hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ”. Washington, DC: Ngân hàng Thế giới. Truy cập tháng 3 năm 2020.