Vì sao lao động Việt mang tiếng năng suất thấp?
Báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết năng suất lao động (NSLD) của Việt Nam đã tăng 64% trong giai đoạn 2010-2020, nhanh hơn tất cả quốc gia cùng khu vực. Tuy nhiên, số liệu của Tổ chức Năng suất châu Á (APO) cho thấy, năm 2020, giá trị sản xuất mỗi giờ lao động của người Việt Nam đạt 6,4 USD, chưa bằng 1/2 Thái Lan (14,8 USD) và 1/10 Singapore (68,5 USD).
Các số liệu trên không mới, nhưng mỗi khi công bố lại nổ ra các cuộc tranh luận. Bộ phận nghi ngờ các con số này không chính xác, không phản ánh đúng năng lực người lao động. Số khác thừa nhận đây là “những con số biết nói” và vẫn tồn tại bộ phận “đến đúng giờ điểm danh rồi đi ăn sáng, uống trà”.
Tiến sĩ Nguyễn Quốc Việt, Viện phó Viện nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho rằng dù xét ở cấp độ vĩ mô hay vi mô, năng suất lao động không phản ánh đúng bản chất của năng lực cạnh tranh và thực chất phát triển tăng trưởng, càng không nên gán với chất lượng nguồn lực lao động. Dù vậy, ông cũng cho rằng chất lượng lao động Việt Nam, đặc biệt kỹ năng làm việc, kỹ năng tiếp nhận công nghệ chỉ ở mức trung bình thấp. Lý giải về điều này, chuyên gia cho rằng Việt Nam mới chuyển dịch nông nghiệp sang công nghiệp, tâm lý làm việc tiểu nông, tác phong chưa chuyên nghiệp vẫn hiện hữu.
Phan Dương