Giải quyết những khó khăn trong phòng chống mua bán người
Luật Phòng, chống mua bán người được Quốc hội khóa XII, Kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29/3/2011, có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2012. Sau 12 năm triển khai thi hành, thực tiễn đã đặt ra yêu cầu cần thiết phải tiến hành sửa đổi, bổ sung Luật nhằm giải quyết những hạn chế, khó khăn, vướng mắc, bất cập trong quá trình thực hiện, đáp ứng yêu cầu trong công tác phòng chống mua bán người hiện nay.
Tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV diễn ra vào tháng 6/2024, thảo luận về dự án Luật Phòng, chống mua bán người, đa số các ý kiến đại biểu cho rằng dự thảo Luật thể hiện tính ưu việt so với Luật năm 2011 trong việc bảo vệ quyền con người, thực hiện một cách thiện chí các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Các đại biểu tập trung làm rõ một số vấn đề lớn: Khái niệm “mua bán người”; khái niệm nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; hành vi mua bán bào thai; chính sách của Nhà nước về phòng chống mua bán người; chế độ hỗ trợ, bảo vệ đối với người đang trong quá trình xác định là nạn nhân… Việc sửa đổi, bổ sung này nhằm bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền của nạn nhân, phù hợp điều kiện kinh tế, xã hội của Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới.
Thái Sơn