Về chính sách miễn học phí cho con nhà giáo: Rà soát, đánh giá tác động để đảm bảo tính khả thi
Dự thảo Luật Nhà giáo sẽ được Chính phủ trình Quốc hội thảo luận tại kỳ họp thứ 8 diễn ra trong tháng 10. Đây là dự án luật không chỉ được các nhà giáo quan tâm, mà xã hội cũng dành nhiều chú ý. Ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục (Bộ GD-ĐT) trao đổi với phóng viên Báo SGGP để làm rõ thêm một số vấn đề xung quanh dự luật này.
Dự thảo lần 5 Luật Nhà giáo (bản chỉnh lý đến ngày 1-10) gồm 9 chương 45 điều, ngắn gọn hơn, chỉ quy định những nội dung thuộc thẩm quyền của Quốc hội (trước đó, dự thảo gồm 9 chương, 71 điều). Dự thảo làm rõ hơn định hướng: nhà giáo trong các cơ sở giáo dục công lập là viên chức, thực hiện các quy định của Luật Viên chức (tuyển dụng, sử dụng, quản lý, hệ thống thang bảng lương…) và chịu sự quản lý của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, đồng thời chịu sự điều chỉnh của các quy định đặc thù đối với nhà giáo. Nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập là người lao động, thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động và các quy định đặc thù của nhà giáo.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) vừa ban hành kết luận về dự án Luật Nhà giáo. Theo đó, UBTVQH thống nhất về sự cần thiết xây dựng Luật Nhà giáo. Vì nội dung dự án Luật Nhà giáo thay đổi căn bản so với dự án Luật Nhà giáo trình lần đầu, do vậy UBTVQH đề nghị hoàn thiện hồ sơ dự án luật, xây dựng tờ trình mới của Chính phủ về dự án luật trình Quốc hội trước ngày 18-10 để thảo luận cho ý kiến tại kỳ họp thứ 8.
Về các chính sách đối với nhà giáo, UBTVQH đề nghị tiếp tục rà soát, hoàn thiện các chính sách đối với nhà giáo theo hướng thận trọng, nhất quán, khả thi, có sự đột phá; bảo đảm các khung chính sách của Nhà nước về nhà giáo được cụ thể hóa đầy đủ; đánh giá kỹ lưỡng hơn tác động của những chính sách mới, nhất là việc bảo đảm các nguồn lực về tài chính, nguồn nhân lực để thực hiện. Chính sách tiền lương và phụ cấp cho nhà giáo cần phù hợp với bối cảnh thực hiện cải cách tiền lương…