Chuyên gia nhận diện nguy cơ sạt lở đất và cách phòng tránh hiệu quả
Từ cuối tháng 6/2023 đến nay, trên cả nước liên tiếp xảy ra hàng chục vụ sạt lở đất đá. Trong số đó, một số vụ gây thiệt hại nghiêm trọng. Xung quanh vấn đề trên, phóng viên Báo Điện tử VietnamPlus đã có cuộc trao đổi với Phó Giáo sư – Tiến sỹ Trần Tân Văn, chuyên viên cao cấp về địa chất, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường), để rõ hơn về nguyên nhân dẫn tới các vụ sạt lở đồng thời nhận diện các dấu hiệu cảnh báo trượt lở đất để giảm thiểu rủi ro, thiệt hại có thể xảy ra.
Có 2 nhóm nguyên nhân chính gây ra trượt, sạt lở đất đá liên tiếp xảy ra trong thời gian qua. Thứ nhất là do mưa lớn kéo dài nhiều ngày làm cho đất đá bị bão hòa nước, khiến các sườn dốc trở nên mất ổn định hơn. Thứ hai là do hoạt động của con người.
Có một điều đáng lưu ý là phần lớn các vụ trượt lở, sạt lở đất đá xảy ra trong những năm qua đều nằm ở những vị trí ngay bên đường giao thông. Thực tế, khi thi công các tuyến đường giao thông bắt qua đồi núi đều làm mất chân sườn dốc tự nhiên, từ đó làm gia tăng khả năng xảy ra trượt, sạt lở đất đá. Đáng lẽ, khi thi công công trình, đường giao thông mà làm mất chân sườn dốc tự nhiên, người ta cần phải áp dụng biện pháp gia cố, gia cường các sườn dốc đảm bảo chắc chắn, an toàn, tuy nhiên trong rất nhiều trường hợp đã không làm.