Hóa giải những nghịch lý trong hoạt động đầu tư công
Theo thông tin từ báo SGGP, trong 9 tháng đầu năm, cả nước ước giải ngân vốn đầu tư công đạt 47,29% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2023 (51,38%). Hiện vẫn còn 31 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công dưới mức trung bình chung của cả nước. Trả lời PV báo SGGP, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, rõ ràng là tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chưa được như chúng ta mong muốn. Có nhiều lý do, khách quan lẫn chủ quan, trong đó có việc Luật Đầu tư công hiện hành còn những điểm hạn chế. Vì thế mà Chính phủ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) tại kỳ họp thứ 8 đang diễn ra.
Như Chính phủ đã nêu rõ trong tờ trình về dự án luật, dự thảo Luật Đầu tư công (sửa đổi) trình Quốc hội lần này đã cụ thể hóa 5 nhóm chính sách lớn gồm: nhóm chính sách thể chế hóa các cơ chế, chính sách thí điểm, đặc thù đã được Quốc hội cho phép áp dụng; nhóm chính sách về tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nhóm chính sách về nâng cao chất lượng chuẩn bị đầu tư, khai thác nguồn lực, năng lực thực hiện dự án đầu tư công của địa phương, doanh nghiệp nhà nước; nhóm chính sách về thúc đẩy thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn ODA và vốn vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài (vốn nước ngoài); nhóm chính sách về đơn giản hóa trình tự, thủ tục và bổ sung, làm rõ các khái niệm, thuật ngữ, quy định, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Anh Thư