Công nghệ sinh học trong nông nghiệp: Những thách thức còn phía trước
Ngày 5-10, tại Hà Nội, Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ NN-PTNT) và Báo Nông nghiệp Việt Nam đã tổ chức Diễn đàn “Thành tựu và định hướng ứng dụng công nghệ sinh học phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững trong bối cảnh hội nhập quốc tế”.
Theo thống kê của Tổ chức Quốc tế về ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA), 73 quốc gia đã chấp nhận cây trồng chuyển gen. Tại Việt Nam, công nghệ này cũng đã bắt đầu phát triển, với hơn 220.000ha bắp chuyển gen được canh tác vào năm 2022, chiếm 26,5% tổng diện tích ngô cả nước.
Mặc dù công nghệ sinh học đã đạt được nhiều thành tựu, nhưng tại Việt Nam, quá trình phát triển công nghệ này vẫn còn gặp nhiều thách thức. PGS-TS. Nguyễn Hữu Ninh, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học, công nghệ và môi trường (Bộ NN-PTNT), nhận định công nghệ sinh học ở Việt Nam đang có độ trễ so với các nước phát triển. “Nguyên nhân chính đến từ những rào cản về cơ chế, chính sách, điển hình là Nghị định 70. Điều này khiến các doanh nghiệp ít mặn mà với việc phối hợp nghiên cứu công nghệ”, ông Ninh nói.
Văn Phúc